Xe đạp địa hình MTB là gì? Yêu cầu của dòng xe này là gì?

Rất nhiều người không biết cụm từ xe đạp MTB là gì? Và thực chất đây chỉ là cụm từ viết tắt của dòng xe đạp leo núi (mountain bike).

Nếu dòng road là dòng xe của tốc độ và kén đường thì MTB là đại diện của “đường xấu thế nào cũng chơi” và dành cho những ai muốn “ngao du sơn thủy”.

Xét về ngoại hình, xe đạp địa hình “hầm hố” và khá phức tạp chứ không có dáng vẻ thanh thoát, nhưng để đánh giá một chiếc xe có tính năng tốt không thể dựa vào dáng vẻ bên ngoài mà chỉ có thể thông qua sự kết hợp hài hòa giữa các bộ phận tạo nên một sức mạnh tổng thể cho chiếc xe, đem lại cho người đạp xe một cảm giác hài lòng và thỏa mãn khi cưỡi. MTB không những đem lại cho người đạp cảm giác “ổn định”, “thoải mái”, “chắc chắn”, “phong độ” mà còn đem lại cảm giác lái tuyệt vời cũng như khả năng phanh hãm an toàn.

Vậy một chiếc xe MTB có cấu tạo ra sao?

Khung xe MTB:

Ở khung xe điều bạn cần quan tâm là kiểu dáng và chất liệu. Kiểu dáng bạn có thích thú hay không, chất liệu hợp nhu cầu và túi tiền.

Có một số chất liệu phổ biến của khung xe là: thép, hợp kim, nhôm, titan, sợi cacbon.

- Khung thép: Rẻ nhất, bù lại là nặng, dễ bị rỉ sét, không bền lắm. Nếu có điều kiện thì không chơi loại này

- Hợp kim: Là kết hợp của thép, crom và hợp kim khác nếu có. Khung xe này có độ bền cao hơn, nhẹ hơn, di chuyển tốt, nhưng vẫn chưa phải là ngon lành lắm.

- Khung nhôm: Khá nhẹ, dẻo dai, đa phần các MTB sử dụng loại khung này. Nhược điểm là hơi cứng, không hấp thụ các xung động khi di chuyển trên đường gồ ghề (di chuyển trong thành phố thì chơi khung nhôm là ok rồi, Ưu tiên chọn dòng Hybrid Bike cho MTB)) Ưu điểm là nhẹ và sức tải lớn.

- Titan: Khung này chất lượng, độ bền, độ tải… vượt trội so với khung nhôm, nhưng giá của chúng cũng thường không rẻ.

- Sợi cácbon: Đây là chất liệu tốt nhất, tuyệt nhất cho MTB về độ nhẹ, độ triệt xung lực, độ tải. Đây là mơ ước của các tay chơi MTB, giá của nó chính vì thế cũng cao gấp nhiều lần khung nhôm.

Bộ số xe đạp MTB:

Khi bạn đạp xe, lực chân hấp thụ vào Pedals truyển đi đến xích tải và làm cho bánh xe chuyển động, quá trình tác động lực của bạn có thể phải thay đổi khi vào những địa hình khác nhau như leo dốc chẳng hạn, khi đó việc đạp xe sẽ rất nặng nhưng chỉ cần một số thiết lập thay đổi nhỏ, bạn có thể dễ dàng đạp xe leo lên dốc.

Xe đạp MTB thường có từ 2-3 đĩa và từ 7,8,9 líp hoặc nhiều hơn thế. Với líp càng to thì sức đạp càng nhẹ nhưng tốc độ chậm và ngược lại. Về tốc độ thì đĩa ngược lại với líp, đĩa càng to thì sức đạp càng nặng nhưng tốc độ nhanh và ngược lại.

Phuộc xe:

Đây là một bộ phận quan trọng vì nó giúp xe hấp thụ, giảm các xung động từ địa hình gồ ghề tác động lên xe, giúp xe duy trì sự ổn định, dẻo dai trong các cung đường khó.

Có 2 loại phuộc xe là phuộc nhún lò xo và phuộc nhún hơi. Sự khác biệt nằm ở trọng lượng và độ bền.

Phuộc nhún lò xo nặng hơn phuộc nhún hơi.

Phuộc nhún lò xo bền hơn phuộc nhún hơi.

Nếu bạn lười bảo trì thì chọn phuộc nhún lò xo, bạn hay di chuyển và cần nhẹ nhàng thì chọn phuộc nhún hơi.

Ngoài phuộc ra, một số xe còn có giảm xóc trên khung để giảm tối đa được các va chạm khi đạp.

Một điểm cải tiến lớn của những dòng xe đạp MTB ngày nay đó chính là khóa giảm xóc. Nhờ chiếc “công tắc”  nho nhỏ này mà bạn có thể điều chỉnh độ cứng của lò xo sao cho phù hợp với cung đường mà bạn đang di chuyển có quá xấu hay không. Thậm chí bạn có thể khóa chết, không cho phuộc hoạt động để phóng hết tốc độ trên những đoạn đường đẹp, bằng phẳng mà không bị mất lực khi đạp.

Thắng (Phanh)

Không nói cũng biết, thắng rất quan trọng, một bộ thắng hoạt động tốt đảm bảo cho bạn an toàn khi lái xe, trên xe MTB, thắng có 2 loại thắng V và thắng đĩa.

 

Thắng V thì dùng cao su ma sát vào vành để tạo ra lực cản.

 

Còn thắng đĩa thì dùng bố thắng ma sát vào đĩa thắng để tạo ra lực cản. Theo chúng tôi thì thấy thắng đĩa an toàn hơn và ngon hơn, với thắng V bạn có thể gặp hạn chế về thắng nếu xe phải lội nước và đi sình lầy, trong khi thắng đĩa thì ít bị ảnh hưởng hơn, và đa số các xe MTB nếu muốn nói là ngon lành thì đều sử dụng thắng đĩa.

Nói về thắng đĩa cũng có 2 loại: Dùng dây cáp như thắng V và dùng dầu thủy lực như của xe gắn máy vậy. Xét về độ bền và độ nhạy thì dầu thủy lực tốt hơn dây cáp và tất nhiên giá thành cũng cao hơn so với dùng dây cáp.

Điểm trừ của thắng đĩa đó chính là việc khó bảo trì, thay thế cũng như chi phí sẽ cao hơn thắng V. Hiện này trên thị trường cũng rất nhiều loại thắng V chất lượng, đảm bảo độ an toàn cho người sử dụng.

Tay lái và thăng bằng :

Tay lái xe đạp địa hình do hoạt động trên đường xấu hoặc đường núi nên có độ rộng của tay lái lớn hơn với mục đích nhắm tới để giữ thăng bằng, khống chế xe với nhiều kỹ thuật khác nhau cũng như góp phần vào tư thế ngồi và “phong cách lái. Tay lái ngắn thì ít cản gió vì thế dành các bạn mê tốc độ, tay lái dài thì ngược lại nhưng lại dễ điều khiển hơn, kiểm soát xe tốt hơn và cho tư thế ngồi thoải mái hơn.

Bánh xe:

Bánh xe và vỏ xe, tùy theo nhu cầu sử dụng mà người ta sử dụng các loại gai bánh khác nhau. Nếu nhu cầu của bạn là đi rừng, leo đồi lội suối thì nên chọn bánh có gai phù hợp, độ bám cao, ngược lại nếu đi đường trường, cần tốc độ, hoặc đường đất nhẹ, bạn nên sử dụng bánh ít gai để giảm ma sát và tăng tốc độ di chuyển.

Lốp xe:

Lốp xe MTB có đường kính 26” và có độ rộng thông dụng 1.9 trở lên, cá biệt có những loại lốp hẹp nhỏ hơn hoặc bằng 1.5” để cải tạo xe địa hình đi đường trường.

Vè xe:

Đối với dòng xe đạp MTB thường rất ít lắp vè chắn bùn sẵn, nhưng việc có thêm 1 bộ vè chắn phù hợp hoàn toàn có ích trong trường hợp đường xấu mà gặp phải trời mưa đúng không?

Vậy 1 chiếc xe đạp leo núi cần đáp ứng được các yêu cầu:

1. Khả năng vượt đường gồ ghề, khả năng chịu đường xấu và leo dốc tốt

2. Có phuộc, giảm xóc trên khung nhằm giảm tác động của va chạm khi đạp trên các cũng đường xấu

3. Bộ group có các tốc độ khác nhau để có thể điều chỉnh thay đổi phù hợp với từng cung đường khi di chuyển

4. Lốp xe có tiết diện và gai phù hợp tùy thuộc với mục đích của người sử dụng và điều kiện cung đường

 

Để lựa chọn các mẫu xe thuộc dòng xe địa hình (MTB) các bác tham khảo link sau: https://xedaphanoi.vn/xe-dap-dia-hinh-mtb

Chúc các bác có những chuyến đi vui vẻ, tận hưởng cuộc sống!

(Bài viết có sử dụng và sưu tầm một số thông tin trên internet)