Ngoài hai dòng xe được ưa chuộng là xe đạp leo núi (MTB) và xe cuộc- xe đạp đua (Road) thì còn một dòng xe đang vô cùng thịnh hành, dành cho những ai máu xê dịch và lang thang khắp nơi đó là dòng touring.
Có khá nhiều định nghĩa khác nhau về xe đạp touring nhưng theo ý kiến cá nhân và tìm hiểu cũng như tham khảo thì xe touring là một trong những dòng xe đạp thể thao phổ biến cùng với xe đạp đua và xe đạp địa hình. Nhưng khác dòng xe địa hình với lốp xe to, hầm hố hay dáng vẻ thanh mảnh, siêu nhẹ của xe đạp đua, xe đạp Touring sở hữu dáng vẻ cổ điển với ống sắt tròn nhỏ, khung xe tam giác đơn giản. Đây là dòng xe dành cho đi phượt và có khả năng tải trọng tốt.
Ở Việt Nam, do mục đích sử dụng và đặc điểm cấu tạo nên dòng touring thường có 2 loại chính là “touring bike”- dành cho đi đường dài, chịu được tải trọng lớn. Và loại thứ hai là “touring city”- hay còn gọi là “city bike”, xe đi trong thành phố, loại xe này phù hợp hơn với việc di chuyển trong thành phố, và sức chịu tải cũng nhỏ hơn so với những xe đường dài.
Vậy cấu tạo của một chiếc xe touring sẽ ra sao?
-
Khung sườn xe đạp touring:
Cũng như tất cả các lọai xe, khung sườn là yếu tố nền tảng và quan trọng nhất của chiếc xe.
Sườn thép là loại vật liệu khá “hợp” với tính chất nồi đồng cối đá, êm (đàn hồi tốt) và dễ sửa chữa dọc đường. Ngoài ra, sườn thép có khả năng chịu lực tốt, hấp thụ lực cũng tốt, nhược điểm duy nhất của nó là nặng, và có thể bị rỉ sét, nhưng với giá thành rẻ nên sườn thép phổ biến và thông dụng. Những xe “touring bike” thường được thiết kế với khung sườn thép để đảm bảo về tải trọng lớn cho những chuyến đi dài ngày.
Sườn nhôm tuy không cứng và đàn hồi tốt như sắt nhưng lại khá nhẹ. Nhôm cứng nhưng hấp thu lực ko tốt, nếu di chuyển trên những con đường ổ gà bạn sẽ bị tê tay và ê mông. Sườn nhôm có thể bắt được baga, nhưng nó chịu tải ko tốt, nó ko có độ mềm dẻo như thép nên có thể bị gãy bát gắn nếu chở quá nặn. Khi đèo nặng, trọng tải dồn phần lớn ở bánh sau nên sẽ xảy ra hiện tượng xe rung,lắc gây khó chịu cho “phượt thủ”. Chính vì thế sườn nhôm có thể thích hợp cho những chuyến đi ngắn, đi trong thành phố, đi trong ngày, nhưng những chuyến đi dài ngày thì ko thích hợp nên những chiếc xe “touring city” sườn nhôm là rất phổ biến.
-
Bánh xe đạp touring:
Cũng như khung sườn, một chiếc touring cần một cặp bánh cứng cáp để chở nặng, bền bỉ để vượt qua hằng ngàn km trong những điều kiện khắc nghiệt và ít có điều kiện bảo dưỡng thường xuyên. Bánh 700c hông lớn được xem như là loại bánh tiêu chuẩn cho touring. Ưu điểm của loại bánh này là quán tính lớn, giúp xe có trớn và thăng bằng tốt hơn. Loại bánh này rất phổ biến ở châu Âu và Bắc Mỹ, nhưng nếu đi tour ở những vùng khác, việc tìm vỏ ruột thay thế cho loại bánh này tương đối khó. Ngoài ra, nếu bạn thích chọn những con đường offroad lầy lội hay sỏi đá để chinh phục, thì bánh 26" là lựa chọn tối ưu, với lợi thế cứng cáp và có nhiều lựa chọn về kích cỡ cũng như loại gai cho địa hình thích hợp. Bánh 26 phổ biến, nên trong trường hợp gãy căm, cong niềng, bể bánh, bạn có thể tìm thay thế dễ dàng hơn bánh 700.
Chất liệu làm vành cơ bản sẽ gồm 2 loại phổ biến nhất là nhôm và thép. Tương tự như khung xe, thép sẽ chịu lực tốt hơn trong khi nhôm lại nhẹ hơn về độ nặng nhé. Tuy nhiên, với sự đổi mới công nghệ trong nhiều năm trở lại đây, vành nhôm đã được cải tiến rất nhiều để phù hợp với các nhu cầu khác nhau, tải được nặng hơn và ổn định hơn.
-
Ghi đông xe đạp touring
Tay lái của touring cũng rất đa dạng. nhưng nhìn chung có 2 yêu cầu chính; hợp với thói quen, cách chạy của người sử dụng và có nhiều vị trí cầm nắm thay đổi giúp người đạp đỡ mỏi.
Nếu ai đã quen với tay lái cuộc (drop bar) thì đây có lẽ là sự lựa chọn tốt nhất vì drop bar có nhiều vị trí cầm nắm giúp người đạp thay đổi tư thế thấp cao dễ dàng đặc biệt ở vị trí thấp rất hữu dụng khi phải chạy ngược gió. Tuy vậy do drop bar có chiều ngang khá nhỏ và tay thắng nằm phía trước nên việc điều khiển khi chở nặng hay vào những đọan đường xấu đôi khi gặp khó khăn nếu không quen.
Một dạng tay lái cũng được sử dụng khá phổ biến cho touring là tay lái bướm (butterfly/ trekking bar). Lọai tay lái này có nhiều vị trí cầm nắm, chiều ngang cũng khá rộng dễ điều khiển. độ đàn hồi ở vị trí nắm chính khá tốt giúp đỡ xóc. Bù lại lọai này không có vị trí thấp để núp gió.
Tay lái ngang tuy không có nhiều vị trí cầm nắm nhưng cũng được nhiều người sử dụng nhất là những ai đã quen với xe leo núi. Ngoài ra còn rất nhiều dạng tay lái được chế biến thêm thắt với mục đích có được một tay lái vừa ý, hợp gu với người dùng.
Độ cao của tay lái touring thường không quá thấp, đa phần từ bằng đến cao hơn độ cao của yên tùy vào ý của mỗi người nhưng nhìn chung nó tạo một tư thế đạp thoải mái, dễ điều khiển, dễ quan sát.
Ngoài ra người sử dụng còn nên quan tâm tới tay nắm. Chất liệu phổ biến nhất là cao su nhưng cần lưu ý chất lượng của nó. Nếu bạn mua loại rẻ tiền chỉ có giá khoảng 20 - 50k/cặp nhưng tay nắm sẽ cứng, ít tính đàn hồi khiến bạn bị tê tay khi đạp trên quãng đường dài. Ngoài ra nếu chất lượng của tay nắm kém sẽ dẫn đến bị mủn, bong chóc trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài.
- Bộ số xe đạp touring
Khi gặp đèo hay những con dốc cao cộng với việc chở nặng sẽ là một thử thách với bất cứ tay đi tour nào. Lúc đó dù phải đạp bằng với tốc độ đi bộ tà tà vẫn tốt hơn phải xuống xe đẩy một đống đồ và xe với trọng lượng vài chục kg lên dốc. Bộ số thấp (đĩa nhỏ líp lớn) lúc này thật hữu dụng.
Hầu như tất cả các xe touring đều sử dụng 3 đĩa (triple crackset), và đĩa nhỏ trong cùng sẽ là chìa khóa để vượt qua những con dốc cao. Nhưng với những chiếc xe “touring city” thì một bộ số đơn giản gồm 6-7 tốc độ cũng đã rất OK cho việc di chuyển trên những con đường.
Nói chung tùy theo cách đạp, cung đường, và trọng lượng đồ đạc mang theo để chọn bộ số thích hợp.
- Gác Ba ga xe đạp - túi xe đạp touring
Một đặc thù khiến của touring trông không giống ai đó là những baga chở đồ (racks) trước sau. Hai bên baga sau phải có khung chắn cứng cáp để túi đồ không bị lắc hoặc cạ vào bánh. Bề mặt bên trên của baga thường khá hẹp để giảm kính thước bề ngang khi máng 2 túi 2 bên. Chất liệu có thể là thép hay nhôm nhưng nhìn chung rất cứng cáp ít rung lắc. Ở baga trước thường có lỗ để bắt ốc vào đọan giữa phuộc. Những lọai xe dùng thắng đĩa thường phải có lọai bát riêng để baga không cạ vào thắng. Đa phần những túi chuyên dùng được sử dụng những vật liệu vải chống nước, chống thấm tốt rất bền và nhẹ. Chất liệu làm gác ba ga cũng cần được lưu ý khi tương tự như khung xe, chất liệu sắt sẽ tải được nặng hơn trong khi nhôm lại có ưu điểm về trọng lượng.
NHỮNG BỘ PHẬN KHÁC
- Thắng (phanh):
Hầu hết xe touring sử dụng thắng V (V-brakes) hay thắng treo (cantilever brakes) đây là những lọai thắng đơn giản, dễ chỉnh sửa và cho một lực thắng mạnh hơn những lọai thắng hàm (caliper brake). Điều này giúp bạn an tòan hơn khi xe chở nặng tạo ra quán tính lớn, đặc biệt khi đổ dốc. Nhưng, một lý do quan trọng hơn là, chỉ với những lọai thắng này bạn mới có cơ hội sử dụng những cặp bánh lớn và gắn vè.
Gần đây một số hãng đã sử dụng thắng đĩa cho touring với ưu điểm lực thắng mạnh, không gây mòn niềng, không làm nóng vỏ ruột khi đổ dốc dài và tỏ ra hiệu quả hơn trong môi trường trơn ướt, nếu lỡ cán chó méo niềng hay bị gãy căm thắng vẫn họat động bình thường. Nhược điểm lớn nhất của thắng đĩa là khó sửa chữa thay thế dọc đường. Đĩa có thể bị vênh nếu vận chuyển không cẩn thân. Nếu thắng đĩa nằm trên gắp chéo có thể gây khó khăn trong việc gắn baga sau. Ngoài ra bạn phải nghĩ đến việc sườn phuộc và đặc biệt là phải gồng gánh nhiều hơn cho mỗi lần bóp bóp.
Việc đưa thắng đĩa vào giữa hai gắp sẽ không gây khó khăn khi lắp baga sau
- Yên xe đạp touring
Một cái yên có thể rất thỏai mái với người này nhưng lại là ác mộng của người khác. Đó cũng là lý do yên da vẫn được yêu chuộng đến giờ này. Loại yên da có một đặc tính rất đặc biệt đó là khi lúc mới mua về thường rất cứng và không vừa với xương chậu nhưng sau một thời gian sử dụng nó sẽ tự trở nên vừa vặn với cấu tạo cơ thể cũng như cách đạp của bạn. Vì vậy càng sử dụng lâu chiếc yên da càng trở nên dễ chịu hơn. Và đó là ưu điểm duy nhất của nó bên cạnh những nhược điểm như; thô, nặng, kị nước, khó bảo quản (nếu để lâu không dùng hoặc không bảo dưỡng thường xuyên da sẽ bị khô nứt) và đắt tiền.
Nếu sử dụng yên nhựa mút, nên dùng loại đừng cứng quá và cũng đừng nhỏ quá. Nên chọn loại có lỗ thông hơi (nếu bạn hợp với loại này), giúp bạn ngồi lâu vẫn thông thoáng hạ nhiệt. Và dù yên nào cũng cần có thời gian làm quen. Bạn chỉ có thể biết chiếc yên có thật sự hợp với bạn hay không sau khi dùng thử một thời gian vời vài chuyến đi dài.
-
Vè xe đạp touring
Có người thích dùng có người không. Nhiều người cho rằng nếu phải đi dưới trời mưa thì từ đầu đến chân cũng đều ướt, nên có vè hay không cũng vậy. Nhưng sau cơn mưa đường vẫn ướt, và việc bùn đất văng đầy mặt đầy đầu không dễ chịu chút nào. Chưa nói đến xe cộ hành lý sẽ trông thật thảm hại sau một cơn mưa. Ngay cả khi trời không mưa, đường vẫn thi thoảng gặp những vũng nước. Một lý do khác khiến nhiều người không gắn vè chính là sự cồng kềnh, tốn diện tích trong việc vận chuyển, đóng thùng cho xe. Nên dùng vè bằng nhựa có độ đàn hồi tốt để lỡ có va quẹt hay dính bùn đất cũng không bị móp méo. Thậm chí nếu phải gỡ vè ra dọc đường bạn có thể gấp chúng lại buộc vào xe dễ dàng mà không bị hư hỏng biến dạng.
Vì vậy 1 chiếc vè rút có thể được coi là sự lựa chọn hoàn hảo trong mọi tình huống đấy nhỉ?
Tóm lại một chiếc xe touring cần đáp ứng các yêu cầu:
+ Khả năng thồ hàng tối đa: Đảm bảo gắn được baga trước, baga sau, ghi đông dài có thể gắn thêm túi, đèn, thiết bị GPS, đồng hồ vv....
+ Đem theo tối thiểu 2 - 3 chai nước
+ Bộ khung cứng cáp, chịu được va chạm, chịu được tải nặng mà vẫn vững vàng, tư thế ngồi thoải mái, có thể ngồi trên xe dc từ 8 - 12 tiếng liên tục mỗi ngày
+ Có vè trước, vè sau, hạn chế tối đa bắn sình, bùn lên túi, áo
+ Bộ group với đĩa nhỏ, líp lớn để leo đèo, dốc.
Để lựa chọn các mẫu xe thuộc dòng xe touring, các bác có thể tham khảo đường link sau: https://xedaphanoi.vn/xe-dap-dong-touring
Chúc các bác có những chuyến đi vui vẻ, tận hưởng cuộc sống!
(Bài viết có sử dụng và sưu tầm một số thông tin trên internet)